Trong khi dao, thìa, dĩa là dụng cụ ăn phổ biến ở phương Tây, thì với người Á Đông, một đôi đũa có thể thay thế cho tất cả những dụng cụ phức tạp trên bàn tiệc. Văn hóa dùng đũa của người châu Á vốn có nhiều điểm thú vị, được bắt nguồn từ tập quán xa xưa và phản ánh nhiều thói quen cũng như nền văn hóa bản sắc của mỗi dân tộc nơi đây.
Nguồn gốc đôi đũa của người châu Á
Một số giai thoại cho rằng đôi đũa mô phỏng lại hình dạng mỏ chim từ thời xa xưa. Trên thực tế, đũa xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên tại Trung Quốc. Ban đầu, người ta dùng đũa để nấu và khuấy thức ăn trong nồi lớn. Dần dà, sự khan hiếm lương thực đã khiến người ta phải cắt nhỏ thức ăn, khi ấy đôi đũa trở thành một dụng cụ trên bàn ăn, dễ dàng gắp được những miếng thức ăn nhỏ nhờ vào sự linh hoạt, tiện dụng. Đũa được coi như một dụng cụ ăn phổ biến một phần cũng nhờ vào tư tưởng của đạo Khổng. Vốn là một người ăn chay, Khổng Tử coi dao là dụng cụ sát sinh, và “một người đáng kính cần tránh xa lò mổ”.
Một lý do khác khiến đôi đũa trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người châu Á, đó là bởi người Á Đông ăn gạo trồng từ cây lúa nước. Hạt gạo nhỏ, ngắn, rất dễ dính vón vào với nhau, thích hợp để dùng đũa. Trong khi đó, người châu Âu sử dụng lương thực chính là lúa mì, khoai tây và các loại ngũ cốc, thường đã qua chế biến thành bánh mì hoặc dạng bột hay súp. Do đó việc sử dụng dao, thìa, dĩa sẽ thuận tiện hơn.
Sự khác biệt trong văn hóa dùng đũa tại các nước châu Á
Tuy cùng sử dụng đũa để gắp thức ăn, nhưng mỗi dân tộc tại các quốc gia châu Á lại có một kiểu đũa khác nhau, phản ánh văn hóa ẩm thực và bản sắc khác nhau.
Ở Trung Quốc, đũa thường dài, có đầu tròn để dễ dàng gắp thức ăn hay nhúng lẩu khi ngồi trên bàn tiệc đông người. Trong khi đó, người Nhật Bản lại thường dùng những đôi đũa bằng tre, có đầu nhọn để giúp họ lóc xương và da cá. Đũa cũng không cần quá dài mà thường ngắn, dễ cầm bởi họ có thói quen ăn ở đĩa riêng chứ không gắp từ đĩa thức ăn chung.
Với người Hàn, đũa của họ thường dẹt, phẳng và làm từ kim loại. Đó là vì văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc gắn liền với các món thịt nướng. Một đôi đũa kim loại sẽ dễ dàng giúp gắp thức ăn trên vỉ nướng mà không lo bị cháy khét hay lẫn vị.
Tuy có những điểm khác biệt, nhưng văn hóa dùng đũa ở các nước châu Á cũng chia sẻ một vài điểm chung. Trong đó, một số hành vi được coi là bất lịch sự, không nên làm khi đang ăn, có thể kể đến như:
- Không gắp thức ăn từ đĩa lớn rồi cho trực tiếp vào miệng, mà phải bỏ ra bát hoặc đĩa riêng của mình trước.
- Không dùng đũa để xiên thức ăn.
- Không dùng đũa gõ vào miệng bát, chén.
- Chỉ dùng đũa chung để gắp thức ăn từ đĩa lớn.
- Không dùng đũa đảo thức ăn trong đĩa lớn.
- Không đặt đũa trực tiếp lên mặt bàn, hãy đặt chúng trên đĩa của bạn hoặc lên một miếng khăn giấy.
- Không ngậm đũa quá lâu khi chọn thức ăn.
- Không chỉ đũa vào mặt người khác.
- Không cắm đũa vào bát cơm vì đó được coi là hành động mang đến điềm xui xẻo.