Sau khi Robert Berking đột ngột qua đời ở tuổi 36 vào năm 1908, thương hiệu Robbe & Berking tiếp tục được điều hành bởi người sáng lập Nicolaus Robbe và con gái Henriette – đồng thời cũng là vợ của Robert. Tám năm sau, Nicolaus Robbe qua đời, giao lại thương hiệu cho con trai Arnold và hai người cháu – con của Robert Berking và Henriette tiếp tục quản lý và phát triển.
Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra, mang lại không ít khó khăn cho việc kinh doanh. Sau khi hiệp ước Schleswig Treaty được kí, Flensburg bị chia cắt làm hai nửa. Đồng thời việc giao thương giữa Đức và Đan Mạch cũng gặp nhiều cản trở. Xuất nhập khẩu khó khăn, đặc biệt các giao thương về đồ bạc hầu như không thế nào thực hiện được. Năm 1925, Theodor Berking – thế hệ cháu trai thứ ba của gia tộc quay trở về Flensburg và nắm quyền điều hành thương hiệu. Một năm sau, ông nhận được danh hiệu nghệ nhân chế tác, tiếp tục vững vàng đưa Robbe & Berking vượt qua giai đoạn khủng hoảng của 2 cuộc chiến tranh, kéo dài đến tận năm 1945.
Trong những năm 1950 đến 1980, Robbe & Berking cho ra đời một loạt thiết kế tinh giản trong họa tiết trang trí, mang vẻ đẹp tinh tế và hơi thở hiện đại của thời cuộc, như Isabelle, Brigitte, Royal, City, Alt-Kopenhagen, Navette và Dante.
Goethe đã từng nói: “Những kẻ sành sỏi nên biết cách thưởng thức vẻ đẹp trong dáng hình đơn giản. Chỉ có quần chúng phổ thông mới bị lôi cuốn bởi sự hào nhoáng ồn ào”. Có lẽ không ai hiểu rõ điều này hơn những người La Mã và Hy Lạp cổ, bởi Socrates – triết gia vĩ đại của thời kì đó cũng đã từng viết: “Mọi thứ đẹp đẽ thì đều giản đơn”.
Lý tưởng cổ điển này đã được Robbe & Berking diễn giải lại theo một cách thức hiện đại với bộ sưu tập Dante. Mẫu thiết kế này làm sáng tỏ mối quan hệ giữa chất lượng bên trong và những cảm quan thẩm mỹ bề ngoài trong thời đại chúng ta. Đối với Dante, sự thuần túy, giản lược của những đường nét đơn giản và bề mặt trơn nhẵn hoàn toàn đồng điệu và càng truyền tải trọn vẹn vẻ đẹp tinh khiết của chất bạc 925. Vật liệu thượng hạng phô diễn tay nghề chế tác đỉnh cao, những yếu tố này tạo nên sự thời thượng có giá trị hơn bất cứ một trào lưu phù phiếm nào.
Những năm 1980, Robbe & Berking có nhiều tác phẩm ấn tượng, đoạt giải thưởng trong những cuộc thi quốc tế và được triển lãm tại viện bảo tàng. Nổi bật có thể kể đến bộ sưu tập Alta – được thiết kế bởi nghệ nhân chế tác Wilfried Moll. Ra đời năm 1984 – những năm cuối của thế kỉ 20 đầy biến động với chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và suy thoái diễn ra trên toàn cầu. Lúc này, một trào lưu nghệ thuật mới xuất hiện, đó là chủ nghĩa Bauhaus với phương châm “thẩm mỹ phải gắn liền với chức năng”, đề cao tính tiện dụng, rời xa những hoa văn trang trí phức tạp cầu kì và chân thật với vật liệu. Theo sau đó là lý thuyết “Hình dáng đi sau công dụng” – một trong những triết thuyết chi phối và gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên tất cả các lĩnh vực thời trang, thiết kế, kiến trúc, tâm lý và hành vi trong đời sống hiện đại. Mang theo ý tưởng đó, Alta sở hữu hình khối đơn giản, không có hoa văn trang trí, tôn vinh chất liệu bạc trơn nhẵn và sáng bóng. Điểm đặc biệt của Alta đó là phần chuôi được vuốt cong mềm mại theo một tỉ lệ hoàn hảo, tạo nên vẻ đẹp gợi cảm, trẻ trung và tinh tế cho bộ sưu tập này.
Riva cũng là một trong ba bộ sưu tập mang hơi thở đương đại được thiết kế bởi Wilfried Moll, ra đời năm 2000. Phá bỏ những chuẩn mực của vẻ đẹp ước lệ, Riva sử dụng những đường thẳng, những hình họa đơn giản và vuông vắn, không đưa hoa văn trang trí vào trong thiết kế, tuy vậy lại không hề tạo ra cảm giác nhàm chán. Cũng như tinh thần Avant Garde, Riva ca ngợi sự sáng tạo, phá bỏ quy tắc, đề cao cái tôi và những giá trị độc bản trong cuộc sống.
Đối với Sphinx – một bộ sưu tập trẻ ra đời vào năm 2008, những ý tưởng đương đại được thể hiện qua những đường cong táo bạo, mô tả lại dáng nằm của một con nhân sư. Điểm đặc biệt ở đây là Sphinx không sử dụng bất kì một hoa văn trang trí nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh về thị giác nhờ những đường cong đột ngột “nhô lên” ngay từ phần tiếp giáp với tay cầm thẳng tắp. Chi tiết này không những tạo điểm nhấn khó quên, mà còn được chủ đích thiết kế để gia tăng thêm lực cho dĩa, và cũng để khiến phần lòng thìa (mouthpiece) trở nên sâu hơn, dễ dàng hơn trong việc giữ, cắt thức ăn và đưa đồ ăn vào miệng.
Từ nửa cuối của thế kỉ 20, danh tiếng của Robbe & Berking đã nhanh chóng lan rộng, không chỉ trên phạm vi nước Đức mà còn được biết tới ở nhiều quốc gia châu Âu như Thụy Điển, Áo, Bỉ, Luxembourg, Anh, Ý, Tây Ban Nha… Năm 1997, Oliver Berking – thế hệ thứ 5 của gia tộc nắm quyền điều hành thương hiệu, đưa Robbe & Berking trở thành một nhãn hàng xa xỉ phẩm có danh tiếng trên toàn cầu. Không chỉ hợp tác với các thương hiệu siêu xe, du thuyền sang trọng, các nhà hàng Michelin và khách sạn 5 sao trên thế giới, Robbe & Berking còn là cái tên quen thuộc xuất hiện trong những bữa tiệc cấp cao, những hội nghị thượng đỉnh, có khách hàng là những gia đình hoàng gia và những nhân vật VIP; trở thành một trong những thương hiệu chế tác thủ công, sản xuất các dụng cụ bàn ăn từ bạc nổi tiếng nhất trên thế giới.