Camus – một tên tuổi lớn trong nền triết học hiện đại đã từng nói “Người thông tuệ là người biết tự ngẫm chính mình”, và “để hạnh phúc, đừng quan tâm quá nhiều đến người khác”.
Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều phương tiện tác động đến đời sống con người. Càng hiện đại, càng thuận tiện, càng dễ dàng trong đời sống, con người ta dường như càng lạc lối trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc riêng. Những mối quan hệ trong xã hội giống như một mạng lưới khổng lồ, có thể mang tới những kết nối cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng nuốt chửng những cá nhân thiếu bản sắc vào bên trong nó.
Nhiều người mải mê phô bày vẻ hào nhoáng, họ cho rằng đấy là một cách để chứng tỏ bản thân với xã hội, mà quên mất rằng những giá trị cốt tủy của một con người nằm ở trong tâm hồn. Họ tìm kiếm định nghĩa về sự thượng lưu trong những cuộc vui phù phiếm, những mối quan hệ hời hợt, lạc lối bên trong “mạng lưới khổng lồ”, mà quên mất thực ra chất lượng cuộc sống của một người nằm ở trong chính ngôi nhà của mình – nơi chúng ta trở về, nơi bảo vệ chúng ta trong giông bão, nơi có những người thân yêu nhất, gần gũi nhất, nơi chúng ta thổ lộ những tâm sự mật thiết và những nhu cầu riêng tư.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, liệu một người có thể hạnh phúc nếu như quá bận lòng tới những tác động từ người ngoài? Hay nói cách khác, cảm giác “tưởng như hạnh phúc”, thế nhưng thực chất lại đang lạc lối trong những ma trận không tên của đời sống hiện đại là cảm giác như thế nào?
Có lẽ, đó là khi được người khác ngưỡng mộ vì sự nghiệp, tiền tài hay danh vọng. Nhưng khi trở về nhà thì căn bếp không còn đỏ lửa, những dụng cụ nằm chỏng chơ trên bàn ăn, những bữa cơm nguội lạnh vì đã từ lâu không còn ai bỏ tâm chăm chút. Chất lượng cuộc sống thể hiện qua những “ở nhà” đang lặng lẽ tiến về con số 0, mặc cho vẻ hào nhoáng bên ngoài bạn cố công gây dựng. Đó là khi bạn nhận ra rằng mình đã thực sự sống một cuộc đời cho người khác, giống như một màn trình diễn đợi chờ được đánh giá, chứ không phải trân trọng những thứ vốn thuộc về bản thân mình.
Phí hoài thời gian hữu hạn của bản thân để sống cho người khác, đó thực sự là một điều tiếc nuối.